Lãnh thổ không còn kiểm soát Lãnh_thổ_Việt_Nam_qua_từng_thời_kỳ

Đất mất về Trung Hoa

Biên giới Việt Nam-Trung Quốc vào đầu nhà Thanh Trung Quốc (khoảng 1650), trong đó đoạn phía tây là biên giới giữa xứ Hưng Hóa Đại Việt với tỉnh Vân Nam Đại Thanh (khu vực Việt Nam mất nhiều đất cho Trung Quốc), so với biên giới Việt Nam-Trung Quốc ngày nay.Đất Tụ Long mất năm 1887 và 1895.

Xưa thuộc Cao Bằng

Thời Lý mấy châu Quảng Nguyên, Vật Dương, và Vật Ác bị nhà Tống chiếm đoạt. Sau triều đình lấy lại được Quảng Nguyên (với mỏ bạc Tụ Long) nhưng Vật Dương và Vật Ác mất hẳn.[19]

Xưa thuộc Hà Giang

Bản đồ Bắc Kỳ năm 1890 sau Công ước Pháp-Thanh 1887 nhưng trước Công ước Pháp-Thanh 1895.

Đất Tụ Long đến thời nhà Nguyễn mạt thuộc trấn Tuyên Quang. Theo Công ước Pháp-Thanh 1887 thì Pháp nhường 3/4 đất tổng Tụ Long gồm cả các xã Tụ Long, Bình Di và một phần xã Phấn Vũ thuộc tỉnh Hà Giang, Bắc Kỳ cho tỉnh Vân Nam thuộc nhà Thanh với diện tích khoảng 750 km2.[20]

Xưa thuộc Quảng Yên

Biên giới phía đông bắc Việt Nam với Trung Quốc qua các thời kỳ phong kiến và hiện đại. Các vùng lãnh thổ đông bắc Việt Nam mất về Trung Quốc.Bản đồ Bắc Kỳ năm 1883, (các vùng ven vịnh Bắc Bộ, (quanh vịnh Vạn Xuân (Oan-xuan) gồm: Tam Đảo Kinh tộc (Sam-tao), bán đảo Bạch Long Vĩ (C. Pak-lung) cho đến bờ sông An Nam Giang (An-nang-kiang) thuộc lãnh thổ Đại Nam.Biên giới Việt-Hoa năm 1879 đặt ở sông Dương Hà, tức An Nam Giang.Các phần đất Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh) bị mất về Trung Quốc sau các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1995, là các xãː Bắc Nham, Hoàng Mộng, Tuy Lai, Nật Sơn, Thượng Lại, Cổ Hoằng và Vụ Khê thuộc tổng Bát Trang cùng với các xã Kiến Duyên, Đồng Tông thuộc tổng Kiến Duyên phủ Hải Ninh. Mũi Bạch Long hay mũi Bạch Long Vĩ (Paklung) thuộc xã An Lương, cùng các làng Mễ Sơn (米山, Mi-shan), Vạn Vĩ (澫尾 hay 萬尾, Van-mie), Mi Sơn tổng Hà Môn phủ Hải Ninh trên các bản đồ sau năm 1887 đã bị cắt cho Trung Quốc.

Thời nhà Mạc, Mạc Đăng Dung nộp 6 động[21] của châu Vĩnh An, trấn Yên Bang cho nhà Minh.[22]

Năm 1887 người Pháp nhân danh nước Bảo hộ triều đình Huế ký Hiệp ước Pháp-Thanh nhường thêm một dải đất duyên hải cho nhà Thanh. Sông Dương Hà (sông An Nam Giang) trước kia là đường biên giới nay lùi biên giới xuống phía nam, lấy cửa sông Bắc Luân ở Hải Ninh (Móng Cái) làm địa giới.

Thuộc và giáp với Điện Biên, Lai Châu ngày nay

Đời Cảnh Hưng nhà Hậu Lê, các châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tuy Phụ, và Khiêm của phủ An Tây, trấn Hưng Hóa bị mất về tay nhà Thanh, nhập vào tỉnh Vân Nam.[23]

Theo Lê Quý Đôn: Châu Tuy Phụ (綏阜) thổ âm gọi là Mường Tè có 2 động là: Nậm Mạ và Nậm Lân. Châu Hoàng Nham (黃岩) thổ âm gọi là Mường Tông (Mường Toong), có 2 động là: Ngà và Mỏ Sạch. Động Ngà có mỏ Vàng còn Mỏ Sạch là đất mỏ sắt. Châu Tung Lăng (嵩陵) thổ âm gọi là Phù Phang, có 3 động là: Cống Võng, Nậm Cảm và Suối Vàng. Châu Khiêm (謙州) thổ âm gọi là Mường Tinh (Nay không rõ ở đâu, nhưng có thể là Mường Teun (khoảng Lão Tập Trại huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam [note 1]). Cũng có thể là M.Boum (nay khoảng xã Bum Nưa, Bum Tở huyện Mường Tè nằm giữa xã Mường Toong (Hoàng Nham xưa) và thị xã Mường Lay (Mường Lễ xưa), theo đoạn viết về sông Đà bên dưới). Châu Lễ Tuyền (醴泉) thổ âm gọi là Mường Bẩm (có thể là mường Boum (M.Boum), nhưng cũng có thể là địa danh M.Léo (gần Ki Ma Pa (骑马坝)) trong bản đồ Bắc Kỳ năm 1902 mà nay là khoảng hương Bán Pha (半坡) huyện Lục Xuân châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc). Châu Hợp Phì (合淝) thổ âm gọi là Mường Mày (có thể là Mường Mì[24] hay Xiềng My, nay là hương Giả Mễ (者米乡, Zhe-mi-xiang) huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam). Châu Quảng Lăng (廣陵), (khác với Tung Lăng), thổ âm gọi là Mường La (nay là hương Mường Lạp, Meng-la-xiāng (勐拉乡) huyện Kim Bình châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam Trung Quốc), có 3 phố người Hoa là: Hồ Quảng, Quảng Tây và Khai Hóa, nằm bên dưới 6 châu kể trên và bên trên châu Chiêu Tấn. (Quan niệm trên dưới của Lê Quý Đôn có lẽ là theo hướng đường bộ đi từ Mường Thu (Chiêu Tấn) qua Quảng Lăng mới đến 6 châu kể trên.) Cả bảy châu này đến thời Lê Quý Đôn đều mất về Trung Quốc.[25] Riêng về châu Quảng Lăng, Lê Quý Đôn viết: "Châu Quảng Lăng thổ âm là Mường La, bên trái sông Kim Tử (Trung Quốc) và ở phía trên châu Chiêu Tấn, đi từ Mường Thu phải 2 ngày, từ Văn Bàn phải 6 ngày, từ Kinh ra đi phải 26 ngày. Trước châu này bị viên huyện Kiến Thủy (Trung Quốc) chiếm riêng, đến nay (năm Đinh Dậu niên hiệu Cảnh Hưng) đã 93 năm,..."

Mặt khác, Lê Quý Đôn viết về sông Đà như sau:"... Sông Đà ở về bên trái sông Mã, phát nguyên từ châu Ninh Viễn tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy đến bên phải chỗ ngã ba thuộc huyện Kiến Thủy,... (Đoạn này Quý Đôn nói về sông Mê Kông và nhầm 2 sông thông với nhau) ..., về đường chính có một chi chảy xuống làm thành sông Hắc Thủy, chảy qua Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Tông), Khiêm Châu đến Mường Lễ thuộc Lai Châu nước ta. Về bên trái là sông Na, từ sông Kim Tử (Kim Thủy Hà (金水河)) châu Quảng Lăng (Mãnh Lạp (勐拉, Meng La)) chảy đến hội tụ, đấy là sông Đà, nước sông trong suốt, chảy xuống các động Phù Tây, Hảo Tế thuộc châu Quỳnh Nhai,..."[26]

Theo Phạm Thận Duật: Châu Lai (Lai (châu) tiếp giáp châu Quỳnh Nhai và châu Luân ở phía Đông, phía Nam giáp châu Ninh Biên và nước Ai Lao, phía Tây giáp huyện Kiến Thủy phủ Lâm An (臨安府) tỉnh Vân Nam Trung Quốc thời nhà Thanh và sông Cửu Long (theo Hưng Hóa kỷ lược), phía Bắc giáp châu Quảng Lăng của Trung Quốc và sông Kim Tử thuộc châu Chiêu Tấn.[27] (Sông Kim Tử là Kim Thủy Hà (金氺河) nay thuộc Vân Nam Trung Quốc. Sông Cửu Long ở đây có lẽ là sông Nam Ou chi lưu của Mekong ở bắc Lào.)

Các địa danh vùng biên giới tây bắc giữa tỉnh Hưng Hóa (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) vào đầu thế kỷ 20, được cho là 7 châu (trừ Chiêu Tấn) Việt Nam mất về Trung Quốc: Mường La-Quảng Lăng, Mường Tè-Tuy Phụ, Mường Tong-Hoàng Nham, Phong Thổ-Chiêu Tấn, Mường Boum hoặc M.Léo-Lễ Tuyền, Tché My (Xiềng My)-Hợp Phì, Khiêm Châu - Mường Tinh (M.Tía), Tung Lăng - Phù Phang (Pou Fang gần Mường Nhé (M.Nhié)) hoặc Quảng Lăng (Ta Leng Po).

Khoảng 03 châu hạ lưu sông Đà kể từ châu Tuy Phụ trở xuống là: Tuy Phụ (tức Mường Tè), Hoàng Nham (tức Mường Tông, Mường Nhé) và có thể là Khiềm Châu, đến Công ước Pháp-Thanh năm 1895 thời Pháp thuộc, người Pháp đã thương lượng lấy lại được về thuộc Bắc Kỳ, nhưng đổi lại cắt thêm các vùng đất còn lại của Tụ Long tỉnh Hà Giang cho nhà Thanh.

Đất mất về Lào

Hưng Hóa với vị trí các địa danh châu huyện thuộc các phủ Quy Hóa, An Tây, Điện Biên, Gia Hưng của xứ Hưng Hóa tiếp giáp Trung Quốc, và Lào gồm (Văn Bàn, Thủy Vĩ, Chiêu Tấn, Quảng Lăng, Hợp Phì, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Lễ Tuyền, Tung Lăng, Khiêm, Lai, Luân, Thuận, Tuần Giáo, Ninh Biên, Quỳnh Nhai, Sơn La, Mai Sơn, Yên, Phù Hoa, Mộc, Đà Bắc, Mã Nam, Mai, Thanh Xuyên, Yên Lập, Văn Chấn và Trấn Yên).Các Trấn của Việt Nam nay thuộc lãnh thổ Lào

Xưa thuộc Thanh Hóa

Đời nhà Nguyễn huyện Sầm Nưa, phủ Trấn Biên, Thanh Hóa thuộc Việt Nam năm 1827, sau bị nhập vào nước Lào.[28]

Xưa thuộc Nghệ An

Trấn Ninh bị mất một phần về tay Xiêm La sau cuộc chiến Việt Xiêm (1833-1834). Năm 1893, lúc này Pháp đã thành lập liên bang Đông Dương, đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Huaphanh (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao).

Ba huyện Cam Môn, Cam Cát, và Cam Linh, phủ Trấn Định, Nghệ An, thuộc Việt Nam năm 1827, mất về tay người Lào năm 1840.[29]

Phủ Trấn Ninh gồm bảy huyện Khám Liên, Quảng, Khang, Cát, Xuy, Mộc, và Liêm cũng nhập vào nước Lào, nay là Xiêng Khoảng của Lào.

Phủ Lạc Biên, nội thuộc Việt Nam năm 1828 sau tách theo Lào, nay là Savannakhet.[30]

Xưa thuộc Quảng Trị

Tám châu Mang Vanh, Na Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mang Bổng, và Làng Thìn thuộc Việt Nam năm 1827, sau tách nhập về Lào.[31]

Đất mất về Campuchia

Đất Nam Kỳ vào đầu thời nhà Nguyễn, cho đến trước năm 1841.Sự thay đổi biên giới giữa các 3 tỉnh Miền Tây trong Nam Kỳ Lục tỉnh với vương quốc Cao Miên ngay sau khi Pháp chiếm xong 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ thời những năm 1870.Bản đồ Nam Kỳ thuộc Pháp năm 1884, khu vực nằm giữa đường biên giới với Campuchia (Frontière Franco-Cambodgienne) và với đường biên giới với An Nam (Frontière Franco-Annamite). Vùng lồi Svay Rieng (trong bản đồ ghi chú là (Khet[32]) Svai Teep vẫn nằm trong ranh giới Nam Kỳ thuộc Pháp (ở phía đông đường Frontière Franco-Cambodgienne) mà được cắt cho Campuchia.Bản đồ biên giới Việt Nam-Campuchia năm 1870, khu vực K.Svai Téap vốn ngay trước đó thuộc hạt thanh tra Trảng Bàng ngày nay là vùng lồi "Mỏ Vịt" tỉnh Svay Rieng. Biên giới này được điều chỉnh bởi thỏa thuận giữa Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp và vua Cao Miên Norodom I, ký kết ngày 9 tháng 7 năm 1870.

Trấn Tây Thành

Vùng đất Cao Miên do Đại Nam bảo hộ (tô màu hồng). Phần gạch sọc là phần đất lập trấn Tây Thành.

Trấn Tây Thành là một Trấn của nước Đại Nam nhà Nguyễn giai đoạn 1835 đến 1841. Vùng này đánh chiếm được từ Campuchia, nhưng sau 6 năm thì nhà Nguyễn phải rút khỏi vùng này, trả lại cho Campuchia. Đây là vùng lãnh thổ thuộc Đông Nam Campuchia ngày nay.

Xưa thuộc Hà Tiên

Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh (Basse Cochinchine), 1859.Bản đồ Nam Kỳ giai đoạn 1862-1867, kết quả của chiến dịch Nam Kỳ.

Năm phủ Vũng Thơm, Cần Bọt, Chân Sum, Sài Mạt, và Linh Quỳnh đến triều Tự Đức thì quan quân nhà Nguyễn rút bỏ, trả về Campuchia.[33]

Đối với những hải đảo trong Vịnh Xiêm La như Hòn Dừa (tiếng Pháp: Ile de la Baie), bị Cam Bốt chiếm năm 1938; Hòn Năng Trong (Ile du Milieu), chiếm năm 1956; Hòn Năng Ngoài (Ile à l'Eau), chiếm năm 1956; Hòn Tre Nấm (Archipel des Pirates Nord), chiếm năm 1958; Hòn Tai (Ile du Pic), chiếm năm 1958; Hòn Kiến Vàng (Ile des Fourmis), chiếm năm 1960; Hòn Keo Ngựa (Ile du Cheval), chiếm năm 1960 thì Việt Nam Cộng hòa vẫn không thay đổi lập trường chủ quyền với những đảo trên.

Năm 1966 Campuchia lại đòi chủ quyền với Hòn Trọc (Poulo Wai) nhưng Hải quân Việt Nam Cộng hòa vẫn kiểm soát đảo này cho đến năm 1975. Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ tấn công và chiếm được đảo Hòn Trọc.[34] Ngày 04 tháng 06 năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam xuất phát từ bờ để tấn công chiếm lại Hòn Trọc. Cuộc giao tranh giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và quân Khmer Đỏ diễn ra từ ngày 05. Tới ngày 13 tháng 06 năm 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam hoàn toàn làm chủ đảo Hòn Trọc.[35]

Năm 1976, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức nhường Hòn Trọc cho Campuchia.[36]

Danh sách các đảo mất về tay Campuchia từ sau năm 1938
Đảo (tiếng Việt)tiếng Campuchiatiếng Pháp (cũ)Diện tích (ha)Dân sốNăm mấtMất dưới chính quyềnMất về
Hòn Dừaកោះតាគៀវ Koh Ta KievIle de la Baie670không rõ1938 Nam Kỳ thuộc Pháp Campuchia thuộc Pháp
Hòn Năng Trongកោះថ្មី Koh ThmeiIle du Milieu4.030~ 2001956 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Năng Ngoàiកោះសេះ Koh SehIle à l'Eau75001956 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Tre Nấmកោះពោធិ Koh PouArchipel des Pirates Nord32không rõ1958 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Taiកោះទន្សាយ Koh AntayIle du Pic200không rõ1958 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Kiến Vàngកោះអង្ក្រង Koh AngkrangIle des Fourmis6không rõ1960 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Keo Ngựaកោះតាទាម Koh Ta Téam/VaangIle du Cheval60không rõ1960 Việt Nam cộng hòa Vương quốc Campuchia
Hòn Trọc, Hòn Vây hay Hòn Bàកោះពូលូវៃ Koh Poulo Waiîles Wai39001976 Cộng hòa XHCN Việt Nam Campuchia Dân chủ
TỔNG: 8 đảo6.138 (61,38 km2)

Từ đầu thế kỷ XVIII cho đến trước năm 1939, về lịch sử và pháp lý, toàn bộ các đảo giữa Việt Nam và Campuchia thuộc chủ quyền của Việt Nam. Từ khi bị Pháp xâm lược, Việt Nam mất dần kiểm soát khu vực này. Chỉ từ năm 1939, Campuchia mới chính thức quản lý về mặt hành chính và cảnh sát các đảo ở phía Bắc đường Brévié. Các đảo phía Nam đường Brévié do chính quyền Nam Kỳ quản lý. Nhưng sau đó lại tiếp tục mất 8 đảo nữa (danh sách ở trên).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lãnh_thổ_Việt_Nam_qua_từng_thời_kỳ http://www.law.fsu.edu/library/collection/Limitsin... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1261881t/f3.... http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5774279x/f22... http://namkyluctinh.org/a-lichsu/hongphuong-vietna... http://bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi/tu-... http://www.bienphongvietnam.vn/lich-su-van-hoa/dll... http://www.bienphongvietnam.vn/nghien-cuu-trao-doi... http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/Nuo... http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=714 http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn/Hoithao/VNHOC...